Mục tiêu đầu tiên của giáo dục STEAM là đưa trải nghiệm sáng tạo vào trong quá trình học tập. Học sinh được học trên cơ sở dự án, được giao nhiệm vụ theo từng dự án, từ đó phát huy tối đa khả năng tư duy sáng tạo và ứng dụng các kiến thức khoa học vào cuộc sống. Bên cạnh kiến thức khoa học, học sinh cũng được thấm dần các thói quen tư duy, nhìn nhận và đánh giá hiện tượng, sự kiện một cách logic.
Mục tiêu thứ hai của giáo dục STEAM là đem lại sự hứng thú trong học tập. Nhiệm vụ giao cho học sinh phải đủ hấp dẫn để kích thích trí sáng tạo và tò mò. Để đạt được điều này, ngoài thiết kế bài giảng thì người giáo viên STEAM cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp duy trì sự hứng thú học tập của học sinh trong quá trình học tập. Vì vậy, cách thức truyền tải kiến thức và hướng dẫn học sinh trên lớp của giáo viên phải được đào tạo thật bài bản.
Điểm khác biệt tiếp theo của giáo dục STEAM là ở trong cách đánh giá năng lực học sinh. Thay vì những bài thi quyết định kết quả học tập của một cá nhân, giáo dục STEAM đánh giá sự tiến bộ của nhóm theo một quá trình. Trong đó, học sinh được cọ xát, tranh luận, bảo vệ ý kiến của bản thân cũng như tạo thói quen hợp tác với các thành viên trong nhóm.
Quá trình học được thiết kế theo nhiều giai đoạn, tương ứng với mỗi giai đoạn học sinh đều phải trình bày ý tưởng, thiết kế và sản phẩm cuối cùng của mình. Vào giai đoạn cuối của dự án, các nhóm sẽ có cơ hội trình bày tư duy, ý tưởng và giải pháp.
Khi trẻ được học thông qua phương pháp STEAM, trẻ sẽ hình thành và được rèn luyện các kỹ năng đó là:
1. Kỹ hợp tác, làm việc nhóm: thể hiện qua việc trẻ làm việc cùng nhau, chia sẻ trách nhiệm với nhau, đưa ra quyết định và cùng thực hiện. Những điều này được thể hiện rõ nhất trong quá trình trẻ thực hiện các dự án hoặc hoạt động STEAM.
2. Tự xây dựng kiến thức cho bản thân: Việc khám phá của trẻ thực hiện theo chu trình: đặt câu hỏi, tìm hiểu về vấn đề trong thế giới thực, tìm hiểu về các giải pháp, đưa ra giải pháp, lên kế hoạch, thực hiện, chỉnh sửa và trình bày. Đây là quá trình mà trẻ có thể tự góp nhặt và xây dựng kiến thức cho bản thân một cách phù hợp.
3. Tự điều chỉnh bản thân: Khi tham gia vào các sự án STEAM trẻ sẽ học cách làm việc cùng với các bạn, đưa ra ý kiến, được chấp nhận ý tưởng của mình hoặc chấp nhận ý tưởng của bạn khác và cùng thực hiện. Trẻ cũng sẽ thử nghiệm những cách làm khác nhau, có lúc thành công, có lúc thất bại và phải chỉnh sửa. Đó cũng chính là quá trình trẻ học cách điều chỉnh cảm xúc và điều chỉnh bản thân, vượt qua nỗi thất vọng và làm việc với bạn một cách hài hòa.
4. Giải quyết vấn đề trong thế giới thực và đổi mới: những câu chuyện trong thế giới trẻ thơ thường là những câu chuyện tưởng tượng và mang tính văn học, ví dụ như “Vịt con không muốn đi học”. Tuy nhiên, đó có thể là vấn đề chính của các bạn nhỏ và các em hoàn toàn có thể liên hệ câu chuyện với vấn đề thực tế. Trẻ giải quyết được vấn đề của Vịt con cũng chính là giải quyết được vấn đề trong thế giới thực của mình. Từ những vấn đề nhỏ đó, trẻ dần hình thành kỹ năng để giải quyết những vấn đề lớn hơn trong cuộc sống. Trẻ đặt ra các tiêu chí để giải quyết vấn đề và thực hiện quá trình thiết kế, chế tạo sau đó để vấn đề được giải quyết. Đó chính là mục tiêu của STEAM, giúp trẻ dùng tư duy thiết kế để giải quyết vấn đề trong thế giới thực.
5. Sử dụng công nghệ trong hoạt động học tập: Thế kỷ 21 là thế kỷ của công nghệ, với cuộc các mạng 4.0. Vì vậy việc học cách sử dụng công nghệ trong hoạt động học tập là nền tảng cơ bản mà trẻ cần có sớm để có thể thích ứng trong tương lai. Sử dụng công nghệ không chỉ dựng lại ở việc sử dụng những thiết bị công nghệ mà còn là vận dụng các cách thức, phương pháp khác nhau khi thực hiện một dự án hay hoạt động nào đó.
6. Kỹ năng giao tiếp hiệu quả: Trong quá trình hoạt động STEAM, trẻ học cách thảo luận, nêu ý kiến, phản biện các ý kiến, thương lượng, lên kế hoạch, phân công công việc và chấp nhận sự phân công. Những điều này đòi hỏi kỹ năng giao tiếp ở trẻ và giúp trẻ cải thiện kỹ năng giao tiếp của mình. Trẻ phải học cách giao tiếp để đạt được mục tiêu. Trẻ cũng học cách trình bày, thuyết trình để người khác hiểu được quá trình làm việc và kết quả, thành công của bản thân.
7. Phát triển các năng lực đặc thù của môn học STEAM: Là phát triển những kiến thức, kỹ năng liên quan đến các môn Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán và Nghệ thuật vận dụng vào các trải nghiệm thực tế.
- Phát triển năng lực cốt lõi cho trẻ: Tạo cơ hội để trẻ rèn luyện và phát triển các nhóm kỹ năng cần thiết cho công việc của thế kỷ 21 như: Kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp; Kỹ năng làm việc nhóm; Kỹ năng tư duy phản biện; Kỹ năng sáng tạo.